Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đề xuất ưu tiên đầu tư đường sắt kết nối cảng biển trên 100 triệu tấn/năm và nhiều tuyến nhánh...
Theo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ phát triển nhiều tuyến nhánh kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp, du lịch.
Đến 2030, sẽ kết nối đường sắt quốc gia với các cảng biển nào?
Cụ thể, ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt kết nối cảng biển lớn có khối lượng hàng hóa thông qua trên 100 triệu tấn/năm như Hải Phòng, Cái Mép - Thị Vải; Đường sắt kết nối cảng Cửa Lò - Nghệ An.
Cùng đó ưu tiên xây dựng đường sắt kết nối vào các cảng biển khu vực Trung Trung bộ như Chân Mây, Liên Chiểu, Dung Quất; Tuyến nhánh xuống cảng Vân Phong; Tuyến nhánh kết nối cảng Cam Ranh, Khánh Hòa; Tuyến nhánh đường sắt Nam Định - Thịnh Long kết nối khu kinh tế Ninh Cơ.
Bên cạnh đó, quy hoạch cũng định hướng bố trí các ga đường sắt quốc gia dự kiến có kết nối với các phương thức vận tải khác làm cơ sở để các địa phương, nhà đầu tư quan tâm triển khai thực hiện đầu tư; Đồng thời làm cơ sở để tích hợp vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để bảo đảm tính đồng bộ giữa các quy hoạch.
Cụ thể, định hướng quy hoạch các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng với cảng biển có khối lượng lớn và có nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa bằng đường sắt như Nghi Sơn, Vũng Áng, Liên Chiểu, Vân Phong, Hiệp Phước...
Đối với kết nối các cảng cạn, cảng thủy nội địa, định hướng bố trí ga trên các tuyến đường sắt hiện có và đường sắt mới kết hợp được chức năng cảng cạn (hoặc bố trí nhánh đường sắt đến cảng cạn) như: Lào Cai, Hương Canh, Văn Lâm, Lạng Sơn, Nghi Sơn, Hòa Vang... Tiếp tục duy trì các ga có kết nối đường sắt đến cảng Việt Trì, cụm cảng Ninh Bình - Ninh Phúc.
Đối với kết nối đường sắt chuyên dùng, tiếp tục duy trì, cải tạo, mở rộng các ga có kết nối đường sắt chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (tại ga Yên Trạch), Yên Viên - Lào Cai (tại ga Tiên Kiên, Phố Lu), Hà Nội - Hải Phòng (tại ga Thượng Lý).
Đối với kết nối cảng hàng không, kết nối cảng hàng không quốc tế Nội Bài qua tuyến đường sắt đô thị số 2, số 6; Kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành qua tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; Kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất qua tuyến đường sắt đô thị tuyến 4b kéo dài.
Dự thảo đề xuất một số tuyến đường sắt kết nối cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương như: Xây dựng đường sắt nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 78km, nhu cầu vốn 48.400 tỉ; Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 84km, nhu cầu vốn 10.009 tỉ; Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành dài khoảng 38km, nhu cầu vốn 6.604 tỉ...